Chuyến “trăng mật” xuyên Việt của vợ chồng trẻ
Anh Vũ Long thuộc thế hệ 8X cùng vợ là chị Huỳnh Trang (SN 2002) đang sống và làm việc tại Bình Dương. Cặp đôi kết hôn hồi giữa năm nay, sau 4 năm yêu nhau. Sau khi cưới, anh Vũ Long và vợ quyết định tận hưởng kỳ “trăng mật” bằng hình thức phượt xuyên Việt.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Long cho biết ngày còn yêu nhau, anh đã biết vợ thích du lịch bằng xe máy nên muốn thực hiện chuyến đi này như một món quà bất ngờ dành cho vợ. Thời gian chuẩn bị về chung một nhà cũng là lúc anh Long và chị Trang lên kế hoạch cho chuyến phượt xuyên Việt.
“Họ hàng tôi cũng có nhiều người sống tại miền Bắc, sẵn dịp du lịch tôi đưa vợ ra mắt họ hàng theo phong tục của gia đình. Chúng tôi chọn thời gian du lịch vào khoảng tháng 8, tháng 9 – lúc vùng Tây Bắc bước vào mùa lúa chín vàng”, anh Long nói.
Do đã có kinh nghiệm phượt nên anh Long không mất nhiều thời gian chuẩn bị hành trang cho chuyến đi. Bạn đồng hành của vợ chồng anh trong hành trình này là chiếc xe máy đã gắn bó với anh Long ở nhiều chuyến độc hành trước đó.
Anh Long nói đây là phương tiện bền bỉ. Anh đã gắn thêm phụ kiện phía sau để vợ ngồi tựa lưng và để hành lý. Do đã đi phượt nhiều lần nên bản thân anh Long không quá lo lắng. Song, bà xã anh lại chưa từng phượt xuyên Việt nên có chút hồi hộp.
Nói về chuyến đi, chị Huỳnh Trang cho biết bản thân cảm thấy may mắn khi nơi làm việc đã ủng hộ và tạo điều kiện để vợ chồng chị thực hiện chuyến du lịch dài ngày.
Trong hành trình này, anh chị quyết định không lái xe quá nhiều mỗi ngày vì đề cao tính an toàn và muốn được trải nghiệm sâu sắc khi đặt chân đến mỗi địa phương. Cặp đôi đã đi qua 32 tỉnh thành, từ Bình Dương đi xe máy đến Hà Nội rồi từ Hà Nội đi máy bay về lại TPHCM.
Chị Trang cũng nói thêm, trong chuyến đi, vợ chồng chị lựa chọn ăn uống ở những quán được nhiều người địa phương ưa chuộng để tiết kiệm và đảm bảo chất lượng, cũng như đặt phòng qua các ứng dụng trực tuyến. Tổng chi phí chuyến đi khoảng 50 triệu đồng.
Hành trình bão táp, suýt kẹt lại vì lũ lụt, sạt lở
Đầu tháng 9, anh Long và chị Trang đặt chân đến Hà Nội, dự định sẽ di chuyển đến Đông Bắc rồi lên Tây Bắc. Không ngờ, bão Yagi ập tới, khiến lộ trình của cặp đôi phải thay đổi. Đôi vợ chồng quyết định đi Tây Bắc trước để tránh bão.
“Có lẽ những ngày này là giai đoạn khủng hoảng nhất trong chuyến đi của chúng tôi. Khi đi tới Mù Cang Chải (Yên Bái), tôi nghe tin các tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng có sạt lở ở nhiều nơi, đường sá chia cắt.
Phía sau nơi chúng tôi ở là dòng sông, nước lũ đục ngầu, chảy cuồn cuộn. Mưa tầm tã nhiều ngày liền, chúng tôi nằm trong phòng đọc tin tức về bão lũ ở các khu vực để lựa chọn lộ trình sắp tới”, anh Long nói.
Vô tình đến Tây Bắc vào lúc thiên tai ập đến, vợ chồng anh lại thấm thía nỗi khổ của đồng bào vùng cao giữa thời tiết khắc nghiệt. Mỗi lần đi ra đường mua thực phẩm, nhìn thấy cảnh sạt lở, người dân thì ra sức chống sạt ngày đêm, anh Long không khỏi xót xa.
Khi cơn bão đi qua, anh lại đắn đo suy nghĩ về lộ trình, không biết nên tiếp tục đi để hoàn thành kế hoạch đã đặt ra hay nên sớm quay về Hà Nội.
Chưa kịp đưa ra quyết định, vợ chồng anh lại hay tin thành phố Yên Bái, Tuyên Quang chìm trong biển nước, xe cộ lưu thông khó khăn. Thế là hai vợ chồng quyết định di chuyển lên Sa Pa (Lào Cai) tránh lũ, đồng thời để có cái nhìn cận cảnh về đời sống người dân địa phương trước thiên tai khó lường.
“Đến đây, tôi nghĩ rằng chúng tôi đi không chỉ để ngắm cảnh đẹp thiên nhiên của đất nước, mà còn để thấm thía về những nỗ lực, sự cố gắng vươn lên của người dân trong hoàn cảnh khó khăn. Đó sẽ là ký ức khó quên, điều ý nghĩa để tôi kể cho con cái về sau”, chị Trang bồi hồi nhớ lại.
Những ký ức khó quên
Anh Vũ Long tâm sự, chuyến “trăng mật” xuyên Việt lần này là dịp để vợ chồng anh hiểu nhau hơn bởi cả 2 đã cùng nhau lên kế hoạch, sắp xếp công việc, trải qua những ngày vui vẻ, hạnh phúc và bất ngờ. Không chỉ vậy, hành trình bão táp lần này còn tôi luyện cho anh chị thêm tinh thần lạc quan, suy nghĩ tích cực trước thiên tai.
Anh Long kể: “Trước chuyến đi, vợ tôi muốn mua máy ảnh. Tôi đã nói với vợ rằng sẽ không có máy ảnh nào ghi lại được hết vẻ đẹp của thiên nhiên Tây Bắc. Quả nhiên, Hà Giang nhìn đâu cũng thấy cảnh đẹp. Đi từ TP Hà Giang đến huyện Đồng Văn, tôi chỉ muốn con đường dài ra thêm nữa cho cảnh đẹp đừng khuất tầm mắt và hành trình của chúng tôi đừng sớm kết thúc”.
Không chỉ riêng Tây Bắc, nơi đâu trong chuyến đi cũng để lại cho vợ chồng anh Long nhiều kỷ niệm. Khi đi chuyến tàu lửa “Kết nối di sản miền Trung” nối giữa Huế và Đà Nẵng, vợ chồng anh Long đã cùng hòa mình với những con người xa lạ để ca hát nhảy múa tưng bừng.
Du khách nhảy múa trên chuyến tàu lửa “Kết nối di sản miền Trung” và cảnh bình minh ở Phú Yên (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Vợ chồng anh còn được đi qua con đường mang tên Hạnh Phúc ở đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang) và những chứng tích lịch sử dọc đường Hồ Chí Minh, chiêm ngưỡng cảnh mặt trời dần ló dạng trên mặt biển ở mũi Điện (Phú Yên), ngắm vẻ đẹp tráng lệ ở Tà Xùa (Sơn La), hòa mình vào biển mây kỳ thú trên đỉnh Fansipan (Lai Châu), đặt chân tới cột cờ Lũng Cú và bia cực Bắc của tổ quốc (Hà Giang)…
Đặc biệt, cặp đôi được dịp chứng kiến cảnh người già, người trẻ, học sinh và những cựu chiến binh từ mọi miền đất nước hội tụ về Thủ đô Hà Nội, xếp hàng vào viếng lăng Bác từ sáng sớm trong dịp Quốc khánh 2/9.
Anh Long cho rằng, ngoài những trải nghiệm quý báu, anh chị còn có được vô số hình ảnh, video về đất nước để cho người thân, con cháu xem và cảm nhận. “Tôi sẽ kể cho con cháu nghe về hành trình của chúng tôi, về đất nước Việt Nam tươi đẹp, hào hùng và hiền hòa như thế”, anh Long nói.
Với vợ chồng anh Long, mỗi chuyến đi là một bài học quý giá, giúp anh chị lĩnh hội được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Vì thế, anh chị dự định sẽ tiếp tục thực hiện chuyến khám phá các tỉnh miền Tây, đặt chân đến mũi Cà Mau – cực Nam tổ quốc.
“Trong tương lai, tôi cũng sẽ sắp xếp thời gian để quay lại Hà Giang, đồng thời ghé một số tỉnh ở phía Bắc mà chuyến đi lần này vợ chồng tôi chưa thể ghé như Cao Bằng – Lạng Sơn – Bắc Kạn”, anh Long chia sẻ.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment