Bhutan là quốc gia nhỏ bé nằm trên dãy Himalaya, có chung biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ. Đất nước này được mệnh danh là “vương quốc hạnh phúc” vì tập trung vào việc đo lường tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) và theo đuổi sự cân bằng.
Nhưng gần đây, sự cân bằng đã mất.
Làn sóng di cư chưa từng có
GNH – được Bhutan đo lường lần đầu tiên vào năm 2008 – được khảo sát vài năm một lần, dựa trên bảng gồm 148 câu hỏi. Đây là thước đo mức độ thịnh vượng của đất nước dựa trên chỉ số hạnh phúc của người dân chứ không chỉ dựa vào tổng sản phẩm nội địa (GDP).
Cuộc khảo sát gần đây nhất từ năm 2022, lấy mẫu 1,4% dân số và cho quốc gia này điểm hạnh phúc trung bình là 0,781/1. Con số này cho biết, người Bhutan hạnh phúc hơn 3,3% so với năm 2015.
Mặc dù nổi tiếng là gắn với sự hạnh phúc, Bhutan đang trải qua làn sóng di cư chưa từng có, theo tuyên bố của đảng Dân chủ Nhân dân cầm quyền vào năm 2023. Cụ thể, năm ngoái, 1,5% dân số chuyển đến Australia để làm việc và học tập.
Năm 2019, Báo cáo Hạnh phúc Thế giới Oxford – thước đo hạnh phúc độc lập lấy cảm hứng từ GNH – xếp Bhutan ở vị trí 95/156 quốc gia, tăng từ vị trí thứ 97 năm 2018 và giảm từ vị trí thứ 84 năm 2014.
Bhutan lớn hơn Bỉ một chút, là nơi sinh sống của gần 800.000 người và 85% đất đai là rừng. Vương quốc này tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên vào năm 2007, một năm sau khi Quốc vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck – “Vua Rồng” thứ 5 – lên nắm quyền.
Du lịch là một trong những nguồn thu nhập chính của đất nước nhưng đã bị trì trệ bởi đại dịch Covid-19 và vẫn chưa hồi phục hoàn toàn. Số lượng du khách năm 2023 chỉ bằng 1/3 so với năm 2019.
Thuế du lịch (phí phát triển bền vững) tăng lên 200 USD/người/ngày (hơn 5 triệu đồng) vào năm 2022, trước khi giảm một nửa vào năm 2023.
Cơ hội trong thị trường lao động đã giảm. Thống kê gần đây nhất cho thấy, chỉ hơn một nửa số phụ nữ có việc làm, giảm từ 61,2% vào năm 2019. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên – tăng đều đặn kể từ năm 2004 – ở mức 28,6% vào năm 2022. Cứ 8 người Bhutan lại có một người sống trong nghèo đói.
Người dân thấy hạnh phúc hơn khi có kinh tế
Năm nay, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay đưa ra ý tưởng về tổng hạnh phúc quốc gia 2.0 – mô hình nhấn mạnh hơn vào nền kinh tế.
Om Dhungel – người Bhutan sống ở Australia – nhận định, khái niệm GNH tốt nhưng không phản ánh mức độ hạnh phúc của tất cả người dân Bhutan.
Nhằm ngăn chặn làn sóng di cư đồng thời thu hút du lịch và đầu tư, Bhutan đặt cược lớn vào danh tiếng về chánh niệm (tập trung vào hiện tại, toàn tâm toàn ý và không phán xét) của mình.
Tháng 12/2023, Quốc vương Bhutan công bố kế hoạch xây dựng thành phố chánh niệm Gelephu ở phía nam. Chiếm 2,5% diện tích đất của Bhutan, nơi này được tạo thành từ 9 cây cầu, trên đó mọi người có thể sinh sống và làm việc.
Công trình được xây dựng trên khu vực 10.000 người, phần lớn là nông dân, từng sinh sống.
Chimmi Dorji là chủ tịch của Hiệp hội người Bhutan ở thành phố Perth, Australia. Ông cho rằng, các báo cáo về làn sóng di cư của Bhutan đã bị thổi phồng. Đó chỉ là một phần của cuộc sống hiện đại khi mọi người đi du lịch, học tập hoặc làm việc ở các quốc gia khác nhau.
Theo kinh nghiệm của Dorji, người Bhutan đến Australia có kế hoạch trở về nhà.
“Đó là thiên đường trên Trái Đất”, ông nói.
Jan-Emmanuel De Neve – Giáo sư kinh tế và khoa học hành vi tại Đại học Oxford (Anh), một trong những tác giả của Báo cáo Hạnh phúc Thế giới Oxford hàng năm – nói rằng, nếu không có kinh tế tốt, mọi người không có xu hướng đánh giá bản thân là hạnh phúc.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á, số liệu của Bhutan cũng cho thấy, những người được khảo sát thấy hạnh phúc nhất là những người giàu có nhất.
“Phát triển kinh tế là một phần quan trọng đối với hạnh phúc của người dân. Bhutan khá đúng đắn khi tập trung nhiều hơn vào GDP bình quân đầu người”, ông khẳng định.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment