Với nhiều khách du lịch, Triều Tiên vẫn còn là một đất nước khó tới, nhưng Zoe Stephens, cô gái đến từ Liverpool (Anh), dù đặt chân tới đây hơn 30 lần nhưng vẫn muốn quay lại.
Lần đầu tiên tới thăm Triều Tiên vào năm 2016 với tư cách là khách du lịch, sau đó, Zoe trở thành hướng dẫn viên du lịch và tiếp tục quay lại nhiều lần. Từ đó, cô gái người Anh có cơ hội khám phá nhiều thành phố và các vùng nông thôn ở quốc gia này.
Biết cả tiếng Trung, tiếng Hàn, tiếng Nhật và hiện sống tại Đài Loan (Trung Quốc), Zoe tiết lộ “cuộc sống của người dân Triều Tiên rất đời thường, khác hẳn những gì truyền thông quốc tế từng chia sẻ”.
Theo cô, việc tới Triều Tiên du lịch không hề khó.
“Về cơ bản, bạn chỉ cần lên Google gõ từ khóa tìm kiếm tour du lịch Triều Tiên rồi đặt tour. Nhiều người vẫn nghĩ đây là nơi khó tiếp cận, nhưng thực tế mọi chuyện rất dễ”, vị khách người Anh nói.
Trong suốt thời gian qua, Zoe đã ghé thăm khu phi quân sự DMZ giữa biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc, vùng ven biển Nampo về phía tây, thành phố Wonsan ở phía đông, tới thành phố Chongjin và Samjiyon về phía bắc, nơi có ngọn núi Paektusan nổi tiếng và rất nhiều địa điểm tuyệt vời khác dọc lãnh thổ nước này.
Khi nhắc tới con người Triều Tiên, Zoe cho rằng người dân tại đây rất nồng nhiệt và vui vẻ đón khách nước ngoài.
Có cơ hội tiếp xúc nhiều với người dân địa phương, cô nhận thấy họ có sở thích uống rượu với bạn bè, thích trêu đùa nhau. Nhưng trong công việc, người Triều Tiên rất nghiêm túc và có trình độ học vấn, hiểu biết về thế giới đáng kinh ngạc.
“Họ hiểu biết về lịch sử, địa lý nhiều hơn so với những người nước ngoài tôi từng gặp. Khả năng ngoại ngữ của họ cũng đáng kinh ngạc dù nhiều người chưa từng có cơ hội ra nước ngoài. Người dân không giao tiếp bằng tiếng Anh, nhưng nhìn chung ở Bình Nhưỡng là nơi có trình độ học vấn cao. Giáo dục miễn phí cho tất cả người dân ngay cả trình độ đại học”, cô cho biết.
Bên cạnh đó, vị khách người Anh cho rằng, đôi khi các phương tiện truyền thông thổi phồng sự việc ở Triều Tiên. Nhưng khách tới tham quan lại thấy khác hẳn.
Khi được hỏi có cảm thấy nguy hiểm lúc khám phá quốc gia này hay không, Zoe khẳng định “chưa từng thấy như vậy”.
Trước đó, anh Simon Cockerell, du khách người Anh từng có kinh nghiệm hơn 180 lần ghé thăm Triều Tiên, cũng chia sẻ những kinh nghiệm với du khách khi muốn tới đây.
Từ trải nghiệm của bản thân, Simon cho rằng, du khách cần “thận trọng với những phát ngôn của mình” khi tới Triều Tiên, không nên so sánh câu chuyện giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Theo anh, đây là điều tế nhị nên tránh mắc phải.
Ngoài ra, du khách tới đây cần tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn viên du lịch nhằm đảm bảo đến đúng nơi được đưa tới, không tự ý khám phá khi chưa được phép.
Bên cạnh đó, một hành động khác vốn là chuyện bình thường ở nhiều nơi, nhưng ở Triều Tiên lại khác: Đó là việc chụp ảnh. Khi đi du lịch, hầu hết mọi người đều muốn chụp ảnh để lưu giữ kỉ niệm. Tuy nhiên, ở Triều Tiên, nếu muốn chụp hình, du khách nên hỏi ý kiến và xin phép trước xem có được đồng ý hay không.
Theo CNN Travel, sau gần 5 năm đóng cửa vì đại dịch, một số nhà điều hành tour tuyến tới Triều Tiên, cho biết quốc gia này đã cho phép du lịch khởi động trở lại kể từ tháng 12 tới đây.
Một trong những điểm đến là thành phố du lịch Samjiyon nằm gần biên giới Trung Quốc.
Triều Tiên sẽ cân nhắc mở rộng thêm các địa phương khác trên cả nước.
Số liệu được NK News thống kê cho thấy, năm 2019, khoảng 350.000 khách Trung Quốc tới Triều Tiên du lịch, mang lại nguồn doanh thu lớn cho Bình Nhưỡng.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment