Chùa Đỏ cao tới 26m với kiến trúc độc đáo hiếm có – kiến trúc cổ diêm chồng đấu với 3 tầng 20 mái. Ngày nay, ngôi chùa được trùng tu rất đẹp mắt, vừa cổ kính vừa trang nghiêm.
Theo tương truyền, từ xa xưa, đây là một bãi bồi nhỏ có rất nhiều người chết trôi nên dân làng xây dựng một ngôi chùa nhỏ thờ Phật, cầu độ linh hồn cho những người xấu số. Năm 1288, khi Hưng Đạo Vương đến vùng An Dương nghiên cứu địa hình để tiêu diệt đoàn thuyền Ô Mã Nhi rút chạy qua cửa Bạch Đằng, ông đã cho người lo việc ăn uống trong chùa, làm bếp luôn đỏ lửa. Từ đó người dân gọi đây là chùa Đỏ để nhớ đến kỷ niệm ngày Đức Thánh Trần trú quân ở đây.
Cũng chính vì thế sau khi Trần Hưng Đạo qua đời thì người dân ở đây đã xây dựng thêm 2 ngôi miếu ở hai bên chùa thờ Ngài và các bộ tướng thân tín của Ngài, tiêu biểu như danh tướng Phạm Ngũ Lão.
Chùa được chia làm ba cung chính: phía ngoài là mặt tiền đường, ở giữa là trung đường, phía sau là hậu cung.
Tiền đường được thiết kế một tháp 7 tầng cao 5m, chân tháp cao 1,2m, bên trên tháp có sen, trong tòa sen có cột cờ cao 5m để treo cờ trong mỗi mùa lễ hội. Ở trung đường có hàng “hoa chanh” được cách điệu là các lá đề kép bằng men màu xanh cổ chạy dọc nóc chùa.
Hậu cung có hai tầng mái, ở giữa trên nóc mái có đặt lá bồ đề (cao 1,20m) như ngọn lửa bập bùng, thể hiện sự tinh khiết, trong sáng của đạo Phật, của tăng ni, Phật tử hướng thiện cứu khổ, cứu nạn.
Bên ngoài chính điện tầng một có bố trí 4 cây cột đá (đường kính 50cm, cao 4,2m) chạm khắc Long – Phượng, đối xứng hai bên, giữa các cột là các lan can bằng đá chạm khắc “Tùng – Trúc – Cúc – Mai” được biểu hiện ở dạng hóa Rồng.
Gian thờ chính nằm trên tầng hai.
Tại chùa Đỏ có đặt tượng phật Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng gỗ mít cao 5,5m, ngự trên một tòa sen cao 2,9m, có 500 cánh sen sơn son thếp vàng và được chạm khắc tinh xảo bằng các hoa văn thời Trần, được đặt ở trung tâm chính điện.
Khi hoàn thành, đây là bức tượng Phật gỗ lớn bậc nhất Việt Nam. Tượng được 10 thợ gỗ lành nghề tạo nên từ hơn 20m3 gỗ mít, 400 mảnh gỗ…
Tầng hai của chùa cũng thờ những vị La Hán uy nghiêm.
Mặt chính chùa làm bằng đá xanh, cột được trang trí rồng, phượng khắc họa rõ nét sắc thái nghệ thuật thời Lý Trần. Trần của ngôi chùa được sơn son thếp vàng càng làm tăng vẻ quyền quý.
Ngôi chùa này nổi tiếng linh thiêng, “cầu được ước thấy”, thu hút rất đông người dân và du khách thập phương tới cầu bình an, chiêm bái dịp đầu xuân năm mới. Các ngày lễ lớn như lễ Vu lan, lễ Phật Đản được chùa tổ chức chuyên nghiệp, thu hút lượng lớn phật tử, du khách cả nước.
Ngôi chùa cũng là nơi được nhiều cặp đôi tìm tới tổ chức lễ hằng thuận, với hy vọng có thể chung thủy, son sắt sống cùng nhau, gia đình hòa thuận, con cháu đầy đàn.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment