Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) vừa phê duyệt cho các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) Bitcoin đầu tiên được niêm yết trên sàn chứng khoán. Diễn biến này được xem là bước ngoặt không chỉ đối với Bitcoin - đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới - mà còn với toàn bộ ngành công nghiệp tiền ảo nói chung.
Yêu cầu từ thực tiễn
Theo giới đầu tư, đây là cú hích quan trọng đối với ngành công nghiệp tiền ảo sau năm 2023 đầy sóng gió. Bitcoin của quỹ ETF sẽ được niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq, NYSE và CBOE, đồng thời được bảo chứng bởi lượng Bitcoin mua từ các sàn giao dịch tiền số, với sự giám sát của các đơn vị chuyên trách, ví dụ Coinbase Global. Các bên sẽ tạo ra cơ chế giám sát thị trường, giúp tránh nguy cơ thao túng giá Bitcoin và đưa phí giao dịch về mức 0,2%-0,8%, thấp hơn nhiều so với trung bình phí giao dịch trên thị trường nói chung.
Động thái của Mỹ đối với Bitcoin cũng đặt ra các vấn đề về ứng xử, xây dựng khung khổ pháp lý về tiền kỹ thuật số tại Việt Nam. Theo thống kê của Crypto Crunch App - ứng dụng tại Mỹ, Việt Nam có gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ. Một số liệu thống kê khác cũng cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có giao dịch tiền số lớn trên các sàn giao dịch hiện nay.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều người ở Việt Nam đang sở hữu các loại tiền số có giá trị lớn như Bitcoin, Ethereum... và giao dịch qua các sàn của nước ngoài. Anh Nguyễn Quang H. (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) cho biết việc giao dịch hiện nay khá dễ dàng, chỉ cần đăng ký tài khoản trên sàn điện tử, chẳng hạn sàn lớn như Binance. Nhà đầu tư chuyển tiền cá nhân vào tài khoản trên sàn giao dịch để mua các đồng tiền ảo với mục đích đầu tư, tích trữ tài sản.
Ngay từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo đó, Bộ Tư pháp được giao chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế; hoàn thành vào năm 2019. Tuy nhiên, đến nay, các đơn vị được giao nhiệm vụ vẫn đang trong giai đoạn "nghiên cứu".
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng việc khẩn trương nghiên cứu khung khổ pháp lý cho tiền ảo, tài sản ảo là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh một số nước có những động thái liên quan các loại tiền ảo, nhất là đồng tiền thuộc hàng lớn nhất - Bitcoin. Ông Hiếu nhận xét việc các bộ, ngành đã được giao nhiệm vụ từ năm 2017 nhưng đến nay chưa hoàn thành cho thấy phản ứng chính sách còn chậm so với yêu cầu thực tiễn.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo là phương tiện thanh toán hợp pháp, đồng thời chưa công nhận quyền sở hữu đối với tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số. Nhưng trên thực tế, các giao dịch trao đổi, mua bán tiền ảo, tài sản ảo vẫn diễn ra hằng ngày. Điều này sẽ dẫn đến chuyện có thể xảy ra những tình huống tranh chấp và nhiều vấn đề liên quan việc thực hiện nghĩa vụ thuế phát sinh từ các giao dịch tài sản ảo.
Thận trọng nhưng không chậm trễ
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước những thay đổi nhanh chóng về chính sách đối với tiền ảo của một số quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu kinh nghiệm để quản lý tiền số phù hợp với Việt Nam là rất cần thiết.
Thừa nhận đây là vấn đề khó và có nhiều rủi ro liên quan rửa tiền nhưng ông Hiếu cho rằng cần sớm đề xuất các phương án thí điểm bước đầu, sau đó sẽ cân nhắc đưa ra quy định phù hợp. "Không nên vì lo ngại rủi ro mà chậm trễ trong nghiên cứu chính sách" - ông nhìn nhận.
Bà Jenny Nguyễn, Giám đốc vận hành Quỹ Tài chính Kyros Ventures, nêu quan điểm để quản lý giao dịch crypto (tiền điện tử hoặc tiền được mã hóa) trong tương lai gần, Việt Nam cần sớm công nhận Bitcoin là một loại hàng hóa. Từ đó, mở hướng xây dựng khung pháp lý cho phép đầu tư Bitcoin giống những loại tài sản dân sự khác. Đồng thời, có những biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, chống gian lận và rửa tiền bằng công nghệ cao.
Ở góc nhìn ngược lại, bà Lê Ngọc Mỹ Tiên, CEO của Công ty CP BlockchainWork, cho rằng Việt Nam không nên nóng vội, cần xem xét kỹ lưỡng trước khi thông qua các quy định về quản lý crypto. Trước hết, cơ quan quản lý nên tăng cường trao đổi với doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu để có cơ sở thông tin và phương án quản lý phù hợp. Song song đó, cần theo dõi các quốc gia đã ban hành khung pháp lý về giao dịch tiền số, tài sản mã hóa để rút kinh nghiệm.
Là cơ quan được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu xây dựng quy chế về tài sản ảo, tiền ảo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết đây là lĩnh vực mới tại Việt Nam, tương đối nhạy cảm. Do đó, phương pháp nghiên cứu phải rất thận trọng để bảo đảm toàn diện mọi khía cạnh.
Sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã báo cáo Bộ Tài chính để đề xuất Thủ tướng thành lập tổ công tác liên ngành về nghiên cứu, xây dựng khung chính sách cho tài sản ảo, tiền ảo. Việc này nhằm tiếp cận kinh nghiệm của các nước trên thế giới để áp dụng vào thực tế của Việt Nam một cách phù hợp; tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về xây dựng khung pháp lý, tổ chức quản lý chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.
Giải pháp ngăn chặn rửa tiền
Ông Giáp Văn Đại, nhà sáng lập kiêm CEO của Nami Foundation, nhận định việc có khung pháp lý cho Bitcoin dưới dạng là một hàng hóa với quyền sở hữu và giao dịch đồng nghĩa việc có thể ngăn chặn rửa tiền. Khi nhà đầu tư phát sinh bất cứ giao dịch Bitcoin với giá trị lớn, cơ quan quản lý có quyền nghi ngờ và ngăn chặn, truy xuất nguồn gốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng người đầu tư tiền số tại Việt Nam đang gặp rủi ro rất lớn khi chưa có quy định nào bảo vệ họ. Bởi vậy, cần có tổ chức chuyên cung cấp thông tin giao dịch về loại tiền số để nhà đầu tư nắm bắt kịp thời, hạn chế rủi ro.
0 nhận xét:
Post a Comment