Tối 27-12, ông Châu Văn Luận – phó chủ tịch Thường trực Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa cho biết, báo cáo và đề nghị công nhận công trình chợ Đầm tròn là di tịch lịch sử- văn hóa cấp tỉnh đã được gởi đến Thường trực Tỉnh ủy và Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa.
Theo Hội Trí thức, Khánh Hòa là 1 trong 3 tỉnh có nhiều đảo nhất Việt Nam và đang có 230 di tích đã được kiểm kê, công nhận. Trong đó, có 16 di tích cấp quốc gia, 180 di tích cấp tỉnh và 34 di tích đã được kiểm kê.
Về chủ trương, theo nghị quyết của Bộ Chính trị (số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022) về xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành TP trực thuộc trung ương vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045) đã qui định phải “đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trọng điểm của tỉnh”.
Thế nhưng, việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa tại Khánh Hòa “đều bộc lộ một số hạn chế cần điều chỉnh bổ sung mới có thể đạt hiệu quả cao”.
Do đó, Hội Trí thức đã đề nghị Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa cần “tiếp tục nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền các cấp trên lĩnh vực văn hóa. Trong đó, có bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trong quá trình xây dựng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh”.
Hội Trí thức tỉnh Khánh Hòa đã đề nghị tỉnh xây dựng và thực hiện “Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030”.
Trong đó, có qui định thực hiện để tăng số lượng di sản được kiểm kê, xếp hạng, nâng hạng. Công nhận công trình chợ Đầm tròn Nha Trang là di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh.
Đồng thời, đề nghị tỉnh hoàn thành xây dựng hệ thống các bảo tàng, gồm Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, Bảo tàng huyện Trường Sa, phục dựng Bảo tàng Yersin (tại 378 Trần Phú, bên biển Nha Trang).
Hoàn thành việc trùng tu tôn tạo di tích thành Diên Khánh, lầu Bảo Đại, nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên núi Hòn Bà và một số di tích lịch sử cách mạng để sớm đưa vào hoạt động khai thác du lịch.
Giá trị lịch sử, văn hóa chợ Đầm tròn Nha Trang
Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa, chợ Đầm tròn Nha Trang hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 1973. Công trình chợ Đầm tròn với kiến trúc hình hoa sen có “ý nghĩa nhằm gợi nhớ đến dấu tích cái đầm đã mất”.
Về giá trị lịch sử – văn hóa, vẫn theo sở đã nêu, đến nay công trình chợ Đầm tròn đã 50 tuổi. Yếu tố lịch sử của chợ Đầm tròn được thể hiện rất rõ qua hình thức kiến trúc, các loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng, họa tiết trang trí, hệ thống các khu vực ngành hàng, sạp hàng trong và ngoài nhà chợ Đầm tròn.
Với quy mô kiến trúc, chợ Đầm tròn có đường kính 66,5m, bao gồm một tầng lầu hình vành khăn, lệch tâm. Diện tích cả tầng trệt và tầng lầu tới 5.270m2, với hơn 500 sạp hàng, có sức chứa được trên 3.000 khách ra vào mua bán.
Chợ Đầm tròn đã trở thành một trung tâm thương mại có quy mô lớn nhất tại thời điểm được xây dựng và đã ghi dấu sự phát triển của thương mại Khánh Hòa đồng thời cũng là một trong những dấu mốc trong sự phát triển của đô thị Nha Trang.
Chợ Đầm ngày nay không những có chức năng thương mại mà còn là một trung tâm du lịch của TP Nha Trang. Khách du lịch đến TP Nha Trang đều ghé qua chợ Đầm để thỏa mãn mua sắm và tìm hiểu đôi nét về văn hóa, lịch sử địa phương.
Vẫn theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, theo khảo sát, khi được hỏi “địa điểm nào ở Nha Trang mà bạn muốn đến tham quan và cảm thấy quen thuộc?”, rất nhiều người dân và du khách đã trả lời “Chợ Đầm”.
Còn nếu tra Google về địa danh “Chợ Đầm” hoặc “Chợ Đầm Nha Trang” thì trong vòng 0,33 giây cho ra khoảng 7.560.000 kết quả. Như vậy, chợ Đầm tròn đã trở thành một phần di sản ký ức của Nha Trang – Khánh Hòa, là gạch nối những thế hệ dân cư và du khách.
Nguồn: Sưu tầm
0 nhận xét:
Post a Comment