Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 2022 được coi là năm "tổng tấn công" về CĐS. Các bộ, ngành, địa phương đều đã ban hành nghị quyết, chương trình về CĐS. Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDC - tổ chức thu thập và phân tích dữ liệu hàng đầu thế giới - cho biết các năm tới, dự đoán đầu tư trực tiếp vào CĐS trên thế giới tăng tốc, đạt tới 16,5% tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trong giai đoạn 2022-2024, chiếm tới 55% tổng đầu tư cho công nghệ thông tin vào cuối năm 2024. Theo dự báo của IDC, CĐS trên thế giới trong những năm tới sẽ được củng cố bởi một loạt yếu tố có vai trò điều khiển gồm: hệ sinh thái kỹ thuật số đa nền tảng; nhu cầu nắm bắt các chiến lược kinh doanh "kỹ thuật số đầu tiên"; tạo sự gắn bó với khách hàng, đối tác kinh doanh, nhà cung cấp và các thành phần khác; trách nhiệm với môi trường và xã hội; "Toàn cầu hóa 2.0" và các vấn đề về chuỗi cung ứng...
Công ty Magenest, nhà cung cấp các giải pháp thương mại điện tử (TMĐT) và CĐS ở châu Á - Thái Bình Dương, đã ghi nhận tốp 10 xu hướng CĐS hàng đầu trong năm 2022. Cụ thể là: Mọi thứ như dịch vụ; mạng di động 5G; trí tuệ nhân tạo (AI); tổng trải nghiệm khách hàng; dân chủ hóa dữ liệu; nền tảng dữ liệu khách hàng (CDP); tự động hóa; vạn vật kết nối (IoT); đám mây phân; đám mây thực tế ảo tăng cường (AR Cloud).
Hiện nay, các ngân hàng đều đã cung cấp loại hình Internet Banking và Mobile Banking và kết nối với các dịch vụ thanh toán trung gian phục vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử. Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử. Nhiều cổng thanh toán điện tử là những hệ thống phần mềm trung gian có nhiệm vụ giúp kết nối và hỗ trợ xử lý các giao dịch thanh toán phát sinh trên các website TMĐT, giúp các giao dịch được thực hiện nhanh chóng và dễ dàng hơn. Mới nhất và được coi là đột phá ở Việt Nam là loại hình thanh toán di động Mobile Money, từ ngày 6-10-2022, người dùng có tài khoản Mobile Money có thể chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng và ngược lại. Các nền tảng TMĐT như Lazada, Shopee; các siêu ứng dụng đa dịch vụ như Grab, Gojek… cũng tích cực CĐS bằng cách đưa các tiểu thương, tiệm tạp hóa, quán ăn đường phố... "lên mây", hoạt động trên nền TMĐT.
Tuy nhiên, vẫn còn có những cơ quan nhà nước, địa phương chủ yếu dừng lại ở việc tin học hóa, số hóa, chưa xây dựng được cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu.
Để CĐS thành công, con người phải là trung tâm - bao gồm cả người thực hiện lẫn người được phục vụ. Ông Amit Midha - Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản, Nhóm giải pháp thành phố số trên toàn cầu, Dell Technologies - chia sẻ: "Nghiên cứu mới nhất của chúng tôi cho thấy việc CĐS bền vững chỉ xảy ra khi con người và công nghệ giao thoa nhau".
0 nhận xét:
Post a Comment