Sau hơn một năm phát động, chương trình "Sóng và máy tính cho em" đã hỗ trợ hàng triệu học sinh, sinh viên khó khăn trên cả nước tiếp tục tiếp cận với kiến thức qua hình thức học trực tuyến trong khoảng thời gian đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới và Việt Nam. Chương trình vẫn đang được Chính phủ thúc đẩy, nhiều bộ, ngành phối hợp triển khai, các doanh nghiệp đồng hành. Tuy nhiên, một số tỉnh, thành còn vướng một số thủ tục về đấu thầu mua sắm máy tính nên nhiều học sinh còn trông chờ.
Chung tay vì thế hệ trẻ
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát động ngày 12-9-2021 nhằm kêu gọi toàn xã hội chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, thiếu phương tiện và điều kiện học tập trực tuyến, nhất là các khu vực đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội vào thời điểm đó.
VNPT trao tặng máy tính bảng kèm sim VinaPhone miễn phí 4GB data 1 ngày cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), có 26/63 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến), với khoảng 7,35 triệu học sinh, trong đó có khoảng 1,5 triệu học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến và cần được hỗ trợ. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng, chương trình "Sóng và máy tính cho em" gồm 3 cấu phần: bảo đảm sóng, đưa internet đến tất cả hộ gia đình; có máy tính cho các em thuộc các hộ nghèo; giá cước phù hợp cho các thiết bị.
Đây là một chương trình lớn với sự chung tay của mọi ngành, cấp và doanh nghiệp, cá nhân dành cho giáo dục, tiếp sức cho học sinh, sinh viên. Giá trị của chương trình lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng. "Chương trình này kêu gọi mọi người dân Việt Nam, ai có máy tính cũ, ai có máy tính mới hãy giúp các em. Chương trình cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp toàn quốc hỗ trợ, người nhiều, người ít nhưng là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với cộng đồng, với con cháu mình, với tương lai đất nước mình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Theo kế hoạch phối hợp giữa Bộ TT-TT và Bộ GD-ĐT, 100% cước phí internet sẽ được miễn khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến, đồng thời miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến. Sau giai đoạn 1, thực hiện trong năm 2021, khoảng 1 triệu máy tính được huy động cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc, ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Giai đoạn 2, từ năm 2022 - 2023: Tiếp tục chương trình này để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.
Sau lễ phát động chương trình, Bộ TT-TT cùng Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch phối hợp thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em" với mục tiêu: 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện khác phục vụ cho việc dạy và học trực tuyến, qua đó thúc đẩy phát triển xã hội số.
Hàng loạt doanh nghiệp, tổ chức hưởng ứng
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng trong chương trình "Sóng và máy tính cho em", Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cam kết hỗ trợ 37.000 máy tính bảng và tiếp tục cùng ngành giáo dục góp phần rút ngắn khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, bảo đảm không để học sinh nào "bị bỏ lại phía sau".
Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã nhiệt tình đồng hành cùng chương trình, và đến ngày 24-12-2021, hoàn thành trao tặng toàn bộ 37.000 máy tính bảng kèm SIM 4G Viettel (miễn phí 3 tháng data) cho học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo ở 8 tỉnh, thành phố trên cả nước, gồm: Sóc Trăng, Hậu Giang, Vĩnh Long, Long An, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Hải Phòng. Số tiền mua máy từ kinh phí của Tập đoàn Viettel và gần 40.00 cán bộ - nhân viên ủng hộ.
Có thể thấy còn rất nhiều doanh nghiệp và cả người dân đồng hành cùng "chương trình như MobiFone với 4.000 máy tính bảng và nhiều phần mềm về giáo dục; Trungnam EMS xuất xưởng lô máy tính bảng cho học sinh vào đầu tháng 2-2022; Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cùng Tập đoàn Mai Linh trao 100 máy tính bảng cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại 2 xã của huyện Thường Tín, TP Hà Nội; ngày 23-9-2021, HĐND TP. Hà Nội đã phát động quyên góp ủng hộ chương trình "Sóng và máy tính cho em" trước khi bước vào phiên làm việc buổi sáng của kỳ họp thứ 2 HĐND Thành phố khóa XVI; Tập đoàn CMC ủng hộ 3.600 máy tính bảng; ngành ngân hàng đã trao tặng 100.000 máy tính bảng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ủng hộ 24.000 máy tính; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát động hưởng ứng chương trình với mục tiêu có 10.000 thiết bị thông minh mới để trao tặng cho học sinh…
Đến nay, Chương trình "Sóng và máy tính" cho em vẫn đang được thực hiện ở giai đoạn 2 và có thể sẽ "về đích" vào cuối năm2023. Sở GD-ĐT Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị liên quan vừa hoàn tất thủ tục đấu thầu để mua sắm 14.000 máy tính bảng tặng các học sinh khó khăn trong tỉnh, từ nguồn hổ trợ 35 tỉ đồng. Dự kiến sẽ mua thêm 1.000 máy tính bảng từ việc tiết kiệm trong công tác đấu thầu. Tỉnh Đắk Nông cũng vừa hoàn tất thủ tục mua hơn 12.700 máy tính bảng và dự kiến sẽ tặng cho học sinh trong tỉnh vào tháng 1-2023.
0 nhận xét:
Post a Comment