Phản ánh đến Báo Người Lao Động, anh Lê Quốc (nhân viên bảo vệ một công ty ở quận 3, TP HCM) cho biết đang "ngồi trên lửa" sau khi nhận được cuộc gọi xưng là người của Cơ quan Cảnh sát điều tra thông báo anh có một tài khoản thẻ ngân hàng (NH) đang quá hạn bị kiện và một tài khoản khác bị niêm phong về tội rửa tiền, mua bán ma túy.

Đủ chiêu lừa tinh vi

Theo đơn cầu cứu của anh Lê Quốc, anh nhận được cuộc gọi tự xưng là Nguyễn Đình Hợp, đại úy, thuộc cơ quan công an thông báo anh bị NH TMCP Đông Á ở TP HCM kiện vì mở tài khoản tại Hà Nội nhưng đến nay đã quá hạn thanh toán số tiền hơn 66,3 triệu đồng. Đồng thời, theo người này, anh còn có một tài khoản ở NH thương mại nhà nước với số dư 8 tỉ đồng đang bị niêm phong về tội rửa tiền, mua bán ma túy.

"Tôi không có tài khoản của cả 2 NH trên nhưng họ yêu cầu tôi 1 tuần sau phải chuẩn bị tiền rồi họ liên hệ lại hướng dẫn thủ tục giải quyết. Họ không chỉ gọi tôi mà biết cả thông tin gia đình, gọi cho mẹ tôi hù dọa, khiến tinh thần cả nhà vô cùng hoang mang" - anh Lê Quốc lo lắng.

Cận Tết, coi chừng bị lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản - Ảnh 1.

Một số trang web lừa đảo, đánh cắp thông tin khách hàng Ảnh: SƠN NHUNG

Theo xác minh của Báo Người Lao Động, đại diện NH Đông Á khẳng định không tồn tại số tài khoản của anh Lê Quốc mở tại NH như thông tin người xưng là cảnh sát cung cấp. Đây là trường hợp lừa đảo, khách hàng cẩn thận.

Anh Lê Thương (quận Phú Nhuận, TP HCM) cũng kể nhờ cảnh giác, anh đã thoát bẫy lừa hết sức tinh vi liên quan đến thẻ tín dụng. Theo anh Thương, gần đây có người gọi điện thoại tự xưng nhân viên một bưu cục trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thông báo có một bưu phẩm là lệnh triệu tập của TAND TP Nha Trang về việc anh sử dụng thẻ tín dụng còn nợ hàng chục triệu đồng. Do bưu phẩm không có người nhận nên bưu cục trả về TAND TP Nha Trang. Người này còn giúp anh kết nối điện thoại đường dây nóng với cơ quan công an tỉnh Khánh Hòa để trình báo vụ việc. Lập tức, đầu dây bên kia có một người tự xưng là đại úy công an, cho biết đã nhận được hồ sơ từ tòa án về việc anh Thương có mở một thẻ tín dụng tại một NH, số nợ quá hạn 50 triệu đồng chưa thanh toán. NH đã khởi kiện lên TAND TP Nha Trang và tòa gửi lệnh triệu tập, nếu anh không thi hành lệnh thì tòa sẽ kết hợp cơ quan khác niêm phong tài khoản do vợ chồng anh đứng tên để cấn trừ số tiền nợ NH.

"Tôi khẳng định mình không sử dụng thẻ tín dụng thì "đại úy công an" nói trên liền yêu cầu tôi mang giấy tờ tùy thân đến trụ sở công an có căn cứ lập hồ sơ để được cơ quan chức năng giúp đỡ. Biết chắc là chiêu trò lừa đảo, tôi trả lời khi nào nhận được thư mời của công an, tòa án thì sẽ hợp tác. Thế là đối tượng giải thích lòng vòng rồi cúp máy" - anh Thương kể.

Không may mắn kêu cứu kịp thời hoặc cảnh giác như 2 trường hợp trên, rất nhiều người đã bị lừa hàng trăm triệu đồng, thậm chí cả tỉ đồng do rơi vào bẫy của những kẻ mạo danh cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát hoặc nhân viên NH, công ty tài chính, ví điện tử… Một thủ đoạn lừa đảo khác là mạo danh tin nhắn tổng đài của NH, chèn link để đánh cắp thông tin, chiếm đoạt tiền những ai truy cập vào link đó.

Không bán, cho thuê, cho mượn tài khoản

Nhóm chống lừa đảo do Hiếu PC - Ngô Minh Hiếu, chuyên gia Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia sáng lập - vừa đưa ra thông tin cảnh báo tình trạng lừa đảo đánh cắp thông tin tài khoản, thẻ tín dụng tấn công ngày càng mạnh vào người dùng trong dịp lễ, Tết thông qua tin nhắn dẫn dụ khách rút tiền. Theo chuyên gia Ngô Minh Hiếu, vài ngày qua, nhóm liên tục phát hiện nhiều trang giả mạo mPOS để lừa lấy thông tin thẻ bằng hình thức tiếp cận qua tin nhắn, sau đó với lời dẫn mời dụ nạn nhân như rút tiền mặt qua thẻ tín dụng, chi phí thấp, thời gian nhận tiền chỉ trong 5 phút…

NH TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết qua quá trình điều tra các vụ án liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan công an phát hiện các đối tượng gian lận hầu hết sử dụng tài khoản NH không chính chủ (thuê người khác mở, mua tài khoản hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài khoản của người khác) để thực hiện và che giấu các hành vi vi phạm pháp luật. Vietcombank khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không thực hiện hành vi bán, cho thuê, cho mượn tài khoản cá nhân. Không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập các dịch vụ NH, số thẻ tín dụng, mã CVV, ví điện tử và mã OTP cho bất kỳ ai, dưới bất kỳ hình thức nào.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động liên quan đến những thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ cao và giải pháp ứng phó của các NH thương mại, ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cho biết NH có 2 giải pháp chính thường xuyên được triển khai. Cụ thể, NH thường xuyên phối hợp với các đối tác, khách hàng để nâng cao, cập nhật mới nhất những biện pháp an ninh, an toàn về công nghệ; bảo đảm an ninh, bảo mật để giải pháp thanh toán an toàn.

Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NH Nhà nước - cho biết đang tích cực phối hợp với Bộ Công an để triển khai đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Đây là đề án góp phần làm nền tảng trong chuyển đổi số và khi kết nối, xác thực được khách hàng của NH từ thông tin CCCD sẽ góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo; tích cực triển khai phổ cập tài chính khi sử dụng ứng dụng, dịch vụ thanh toán số. 

Chiêu lừa tuyển cộng tác viên bán hàng online

Theo Bộ Công an, hiện nay, tội phạm lừa đảo đăng tin tuyển cộng tác viên bán hàng online trên các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook, TikTok...) yêu cầu người dân tạm ứng thanh toán qua tài khoản các đơn hàng để đặt hàng; sau đó nhận lại tiền tạm ứng và tiền công kèm theo lãi đơn hàng và tiền thưởng. Đến các lần tiếp theo, thanh toán đơn hàng với lượng tiền lớn thì bị chiếm đoạt, đồng thời nhận được yêu cầu phải nộp thêm tiền để hệ thống xử lý lỗi và hoàn trả nhưng không được hoàn trả. Do đó, người dân cần cảnh giác, không tham gia hoạt động nêu trên. Khi phát hiện, cần trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để được giải quyết.

THÁI PHƯƠNG - THY THƠ - SƠN NHUNG