Tại chương trình ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 do Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) tổ chức hồi tháng 10-2022, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT), cho rằng nếu 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, 2021 bắt đầu triển khai, trải nghiệm trong bối cảnh đại dịch COVID-19 thì 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số. "Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động cụ thể theo từng ngành, lĩnh vực, địa phương" - ông Nguyễn Phú Tiến cho hay.
Doanh nghiệp lớn tự tin
Đại dịch COVID-19 gây ra những khó khăn, thách thức chưa từng có, buộc doanh nghiệp (DN) phải thay đổi và thích ứng. Những DN sớm triển khai chuyển đổi số sẽ có sức chống chịu tốt hơn, không chỉ sẵn sàng "sống chung với dịch" mà còn tận dụng được cơ hội từ nền kinh tế số để nâng cao năng lực, tăng tốc và phát triển. Trong đó, nhiều DN đã ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), internet kết nối vạn vật (IoT)...
VinAI - Công ty công nghệ thuộc Tập đoàn Vingroup - cung cấp nhiều sản phẩm và dịch vụ trí tuệ nhân tạo
Một trong những công nghệ quen thuộc trên thế giới là trợ lý ảo nhận diện giọng nói với những cái tên như Apple Siri, Google Assistant, Microsoft Cortana... Tại Việt Nam, VinBigdata nằm trong nhóm những đơn vị tiên phong phát triển và ứng dụng thành công trợ lý ảo. Với khả năng nhận diện tiếng Việt đa vùng miền, trợ lý ảo ViVi trên dòng ôtô điện thông minh VinFast VF e34 giúp chiếc xe không chỉ là phương tiện di chuyển mà còn là không gian làm việc, thu thập kiến thức và giải trí.
Được phát triển từ hơn 30.000 giờ dữ liệu giọng nói cùng các công nghệ tiên tiến như xử lý ngôn ngữ và tiếng nói, sinh trắc học giọng nói, tổng hợp giọng nói..., ViVi còn là là trợ lý ảo tiếng Việt đầu tiên có thể ứng dụng đa lĩnh vực. Chẳng hạn, ViVi có thể hỗ trợ cư dân chung cư truy xuất thông tin một cách nhanh chóng với nhiều nhóm tính năng như đặt/huỷ lịch sử dụng các tiện ích công cộng, tra cứu hóa đơn, đọc tin tức trên bản tin cư dân, tìm hiểu thời tiết khu vực đang sống…Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trợ lý ảo ViVi hỗ trợ DN tự động hóa quy trình và gia tăng trải nghiệm khách hàng cuối trên mọi điểm chạm.
"Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần tạo ra một nền công nghệ nhận diện giọng nói tại Việt Nam, với các sản phẩm "made in Vietnam" do chính người Việt làm ra để phục vụ cuộc sống của người Việt" - TS Đào Đức Minh, Tổng Giám đốc VinBigdata, bày tỏ.
Tại Tập đoàn Hòa Phát, từ đầu năm 2021, lộ trình chuyển đổi số theo chiều sâu, xuyên suốt, tinh gọn, thông minh hơn đã được triển khai với mục tiêu tạo giá trị mới trong chuỗi cung ứng và nâng cao EBITDA (lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao). Lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của tập đoàn bao gồm: đầu tư 30 hạng mục hạ tầng, bảo mật và vận hành; 9 hạng mục ứng dụng và dữ liệu tập trung ưu tiên trong lĩnh vực nhà máy thông minh, văn phòng điện tử và quản trị nhân sự.
Ngày 21-12-2021, giải pháp báo cáo thông minh đã được đưa vào vận hành tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất với dữ liệu kết nối tập trung, dễ dàng xây dựng các báo cáo quản trị (KPIs) đa chiều phục vụ Ban Điều hành. Việc chuẩn hóa số liệu và xây dựng báo cáo phân tích chỉ số giúp cung cấp những thông tin quan trọng tức thời về hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản lượng bán hàng, tồn kho... của công ty. Qua đó, Ban Giám đốc công ty và lãnh đạo tập đoàn nắm được cụ thể để chỉ đạo kịp thời.
Ngoài ra, Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất còn triển khai giải pháp quản lý nguồn năng lượng nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất. Hệ thống này hỗ trợ quản lý tập trung và kiểm soát, phân tích mức tiêu thụ năng lượng của từng thiết bị hệ thống; phát hiện nguyên nhân bất thường để giảm thiểu sự cố liên quan và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng.
Thay đổi để thích ứng
Không chỉ DN lớn tự tin trong xu hướng chuyển đổi số, nhiều DN vừa và nhỏ cũng không ngừng cải tiến dây chuyền xuất theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Công ty TNHH Datalogic Việt Nam (Khu Công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM) đã chủ động đẩy nhanh số hóa trong sản xuất với một trong những ứng dụng mang lại hiệu quả cao là hệ thống phân công công việc tự động cho từng công nhân. Trên cơ sở kế hoạch sản xuất và kỹ năng của từng công nhân, hệ thống sẽ tự động hóa quy trình và giờ giấc làm việc để phân bổ công việc phù hợp cho từng người.
Ông Đặng Văn Chung, Giám đốc Nhà máy Datalogic Việt Nam, cho biết khi chưa áp dụng hệ thống này, cần ít nhất 50 chuyền trưởng để phân công công việc cho công nhân, sau đó mất thêm 1 tuần để rà soát, đánh giá mức độ hoàn thành công việc của từng người. Với hệ thống phân công công việc tự động sử dụng trí tuệ nhân tạo, người quản lý có thể xem xét mức độ hoàn thành công việc của từng người trong ngày để điều chỉnh kịp thời.
"Các công ty của Tập đoàn Datalogic ở các nước đã cử người đến Việt Nam để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm tổ chức sản xuất của chúng tôi. Điều này chứng tỏ đội ngũ kỹ sư, công nhân ở Việt Nam có đủ trình độ, khả năng làm chủ công nghệ và dây chuyền sản xuất hiện đại" - ông Đặng Văn Chung khẳng định.
Tại Tổng Công ty CP May Nhà Bè (quận 7, TP HCM), ông Đinh Văn Thập, Phó Tổng Giám đốc công ty, cho biết hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động rất nặng nề đến ngành may mặc. Trong bối cảnh này, DN tích cực tìm kiếm nguyên phụ liệu, đầu tư công nghệ để phát triển sản phẩm khẩu trang và trang phục bảo hộ y tế, những vật dụng hút khách giữa mùa dịch. Để tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, nhân sự và thời gian, Tổng Công ty CP May Nhà Bè liên tục đầu tư hệ thống nhà máy, nhà xưởng, áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn với hơn 25.000 thiết bị hiện đại.
Bộ, ngành không đứng ngoài cuộc
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho hay nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm, chỉ đạo đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số; hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai nền tảng số dùng chung trong ngành. Bộ cũng đã khai trương Hệ thống thông tin báo cáo với chức năng thu thập, tổng hợp, phân tích số liệu báo cáo và cung cấp số liệu để phục vụ chỉ đạo, điều hành của bộ kết nối tới Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Tại Bộ Y tế, theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, trong giai đoạn phòng chống dịch COVID-19, ngành y tế đã triển khai thành công đề án "Khám chữa bệnh từ xa" và khai trương 1.000 điểm cầu trên cả nước. Hiện nay, Đề án đang được các nơi tích cực triển khai với hàng vạn lượt người bệnh được tư vấn, giúp kết nối giữa các bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới và người bệnh. Các bệnh viện trên cả nước cũng triển khai bệnh án điện tử, xây dựng bệnh viện thông minh, ứng dụng robot trong hỗ trợ chăm sóc người bệnh COVID-19...
Ngành ngân hàng cũng chuyển đổi số toàn diện khi đưa ra nhiều dịch vụ có thể được sử dụng hoàn toàn trên kênh số như: mở tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, gửi tiết kiệm... Nhiều ngân hàng có trên 90% giao dịch trên kênh số; ứng dụng các công nghệ như AI, máy học, big data... để nâng cao năng lực hoạt động, phân tích nhu cầu khách hàng, mở rộng hệ sinh thái số...
Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia - ông Nguyễn Phú Tiến - cho biết chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; kinh tế số và xã hội số.
Tính đến tháng 6-2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% vào cuối năm 2021. Trong Chính phủ số, đến nay tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện lên mức 4 đã đạt hơn 97%.
0 nhận xét:
Post a Comment